Bọ cạp xanh Cuba (tên khoa học Rhopalurus Junceus) là một loài sinh vật đặc hữu trong 36 loại bọ cạp khác nhau được tìm thấy trên các đảo Cuba, Cộng hòa Dominica và một phần Trung Mỹ. Nó được gọi là “bọ cạp xanh” do tông màu xanh đặc biệt ở đuôi. Ngoài ra, nó còn được gọi là “bọ cạp đỏ” vì có thân màu đỏ sẫm. Nọc độc bọ cạp xanh Cuba là một dịch chiết tự nhiên được cho rằng có tiềm năng chống ung thư và không gây độc tính trên người.
Đã có nhiều sản phẩm từ nọc độc bọ cạp xanh Cuba trên thị trường như các sản phẩm Vidatox, được quảng cáo có tác dụng điều trị ung thư cũng như giảm đau, giảm viêm, tăng sức đề kháng cho bệnh nhân ung thư. Tuy vậy, các thông tin về thành phần và tác dụng sinh học của nọc độc bọ cạp xanh Cuba vẫn còn rất hạn chế, chưa được nghiên cứu nhiều và công bố rộng rãi.
Vì vậy, trong khuôn khổ hạn hẹp, bài viết sẽ đưa ra một số thông tin nghiên cứu đã được công bố về nọc độc bọ cạp xanh Cuba trong điều trị ung thư, hy vọng độc giả sẽ tìm được những kiến thức bổ ích và có một cái nhìn khách quan hơn. Đặc biệt là có thể tìm được lời giải đáp cho “tin đồn”: Nọc độc bọ cạp xanh Cuba có phải là thuốc điều trị ung thư hay không? Cùng tìm hiểu chi tiết về chúng qua bài chia sẻ ngay dưới đây nhé!
Vài nét về nọc độc bọ cạp xanh Cuba
Bọ cạp là một trong những động vật lâu đời nhất trên trái đất với hơn 450 triệu năm tiến hóa, gồm khoảng 1750 loài khác nhau. Bọ cạp và nọc độc bọ cạp được sử dụng như một phương pháp y học cổ truyền cách đây hàng nghìn năm ở nhiều nước như Trung quốc, Ấn Độ và các nước châu Mỹ. Trong y học cổ truyền Việt Nam, bọ cạp nếu được dùng nguyên con được gọi là toàn yết, chỉ dùng đuôi được gọi là yết vĩ. Bọ cạp có thể được ngâm trong cồn dùng làm thuốc chữa đau cơ, xương rất hiệu quả, cũng có thể sắc thuốc để trị bệnh kinh giật, co quắp, méo miệng, bán thân bất toại, uốn ván.
Có thể bạn quan tâm:
- Bò cạp đen có độc không? Trở thành dân chơi nên tìm hiểu!
- 1001 thắc mắc: Loại Bọ cạp nào độc nhất hành tinh là?
- Chẩn đoán và điều trị bọ cạp cắn như thế nào? Giải đáp
Nọc bọ cạp là hỗn hợp gồm các thành phần như: enzyme, peptide, nucleotide, lipid, mucoprotein, những biogenic amin và các thành phần chưa biết. Các enzyme có hoạt tính sinh học trong nọc độc bọ cạp bao gồm phospholipase A2 (PLA2), hyaluronidase, phosphatase và acetyl cholinesterases, proteolysis, trong đó PLA2 và các proteolysis được cho rằng góp phần chính vào việc gây độc tính cao trên động vật có vú. Ngoài ra, các polypeptide neurotoxin cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Các neurotoxin này gây tác dụng lên các kênh ion của tế bào thần kinh bị kích thích và qua đó tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, thần kinh thực vật, tim mạch và hô hấp.
Thực hư về tác dụng của Nọc bọ cạp xanh chữa ung thư
Gần đây, nọc độc bọ cạp xanh Cuba – tên khoa học là Rhopalurus Junceus, thuộc họ Buthidae – một loại bọ cạp khá hiếm ở Cuba, đã được phát triển thành thuốc có công dụng giảm đau, giảm viêm và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư ở Cuba. Năm 2004, cơ quan Sở hữu công nghiệp Cuba (OCPI) đã cấp bằng sáng chế nọc độc bọ cạp xanh Cuba cho công ty Labiofam, cho phép bộ Khoa học Công nghệ, viện Ung thư và xạ trị Cuba, Đại học Havana, Bệnh viện nhiệt đới Pedro Kouri tham gia nghiên cứu. Nọc độc bọ cạp xanh Cuba được thu bằng cách sử dụng một dòng điện xung kích thích vào phần đuôi chích của bọ cạp để buộc bọ cạp tiết nọc.
Tuy đã được phát triển thành thuốc tại Cuba, song các nghiên cứu về thành phần có hoạt tính, tác dụng dược lý của nọc độc bọ cạp xanh Cuba rất hiếm được tìm thấy trên các tạp chí khoa học. Đã có một nghiên cứu đánh giá thành phần của nọc độc bọ cạp xanh Cuba, cho thấy trong thành phần của chúng có một số thành phần được cho rằng có hoạt tính như phospholipase, hyaluronidase, chất kháng viêm và một số peptide khác (chủ yếu là RjAa 12f) [6]. Nọc độc bọ cạp xanh Cuba không gây độc cho chuột khi tiêm màng bụng với mức liều tới 200 µg/20g cân nặng. Song, nó gây chết côn trùng (loài dế Acheta domestica) với mức liều 10 µg mỗi con.
Bên cạnh đó, nọc độc bọ cạp xanh cũng được chứng minh không chứa các enzyme có độc tính cao như Phospholipase A2 hay các enzyme phân giải protein như caseinolytic, gelatinolytic. Đây có thể là nguyên nhân khiến nọc độc bọ cạp xanh Cuba có độc tính thấp hơn so với các loại bọ cạp khác. Ngoài ra, một nghiên cứu của Rodolfo Rodríguez-Ravelo và cộng sự cho thấy thành phần nọc độc bọ cạp xanh Cuba ở các vùng địa lý khác nhau trên Cuba bao gồm Moa, La Poa, Limonar, El Chote và Farallones tương tự nhau. Và cho tới hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện nào đánh giá cơ chế tác động lên tế bào ung thư của các thành phần có hoạt tính chiết từ nọc độc bọ cạp xanh Cuba cũng như tiến hành phân lập xác định các thành phần này. Tương lai rất cần thêm những nghiên cứu sâu hơn về thành phần và hoạt tính sinh học để làm sáng tỏ tiềm năng kháng ung thư của nọc độc bọ cạp xanh Cuba.
Các nghiên cứu trên tế bào ung thư với bò cạp xanh
Tìm kiếm nâng cao các dữ liệu về nọc độc bọ cạp xanh Cuba ảnh hưởng đến tế bào ung thư trên các công cụ tìm kiếm bài báo khoa học uy tín bao gồm Pubmed, Sciencedirect, Scientific Reports hay Google Scholar trong những thập niên gần đây cho thấy: Các nghiên cứu còn rất hạn chế, đặc biệt chưa có nghiên cứu nào trên lâm sàng được tìm thấy. Dưới đây là các nghiên cứu in vitro (trong phòng thí nghiệm) và in vivo (trên động vật) về ảnh hưởng của nọc độc bọ cạp xanh Cuba đến tế bào ung thư tìm được.
Nghiên cứu năm 2013 của Díaz-García A và các cộng sự người Cuba đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng của nọc độc tế bào bọ cạp xanh Cuba trên các dòng ung thư khác nhau ở trong phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy dịch chiết nọc độc bọ cạp xanh có độc tính đáng kể và chọn lọc trên dòng tế bào ung thư biểu mô, trong khi dịch chiết này không gây ảnh hưởng lên dòng tế bào bình thường. Nghiên cứu này được xem là bằng chứng khoa học đầu tiên chứng minh ảnh hưởng của nọc độc bọ cạp xanh Cuba đến khả năng sống sót của tế bào ung thư của người ở mức độ trong phòng thí nghiệm, là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về nọc độc bọ cạp xanh Cuba ảnh hưởng đến tế bào ung thư trên người và động vật.
Thời điểm năm 2014, đã có một phân tích tổng quan hệ thống các nghiên cứu đánh giá về nọc độc của các loài bọ cạp khác nhau từ Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Mỹ trên khả năng ức chế tế bào ung thư. Một số thành phần trong các loài bọ cạp này đã cho thấy có khả năng ức chế tế bào ung thư mức độ in vitro bao gồm BmK AGAP, BmKCT, Chlorotoxin, Iberiotoxin, Magatoxin, Charybdotoxin, Bengalin. Các nghiên cứu về nọc độc bọ cạp trong bài báo này cũng đều tiến hành trong phòng thí nghiệm, chưa được thực hiện trên lâm sàng. Bên cạnh đó, việc chiết xuất và xác định đặc tính, liều lượng của thành phần có hoạt tính sinh học chống ung thư từ nọc độc các loại bọ cạp vẫn chưa được rõ ràng, còn là một thách thức lớn cho các nhà khoa học.
Năm 2017, Catia Giovannini và cộng sự, một nhóm nhà khoa học nghiên cứu độc lập người Ý, đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác dụng của nọc độc bọ cạp xanh Cuba trên mô hình chuột bị gây ung thư tế bào gan. Kết quả nghiên cứu cho thấy Vidatox không có tác dụng ngăn sự phát triển tế bào ung thư mà còn gây gia tăng tiến triển và xâm lấn của khối u gan. Sau khi đăng trên Nature – một tập san khoa học rất uy tín, tựa đề đầu tiên của bài báo đã sửa từ “Venom from Cuban Blue Scorpion has tumor activating effect in hepatocellular carcinoma” thành “Vidatox 30 CH has tumor activating effect in hepatocellular carcinoma”.
Có thể bạn quan tâm:
- Rắn Mamba đen – Chúa tể loài rắn độc đến từ châu Phi
- Rắn hổ mang chúa – Loài động vật có chất độc nguy hiểm
Gần đây, Mohammadreza Moradi và cộng sự đã đánh giá tổng quan hệ thống về tác dụng kháng ung thư của các loại nọc độc bọ cạp nói chung, được công bố vào tháng 06/2018. Bằng cách tìm kiếm chuẩn theo hướng dẫn PRISMA (Preferred Reporting Items for Systematic Reviews and Meta-Analyses ) – một hướng dẫn chuẩn về công cụ phân tích hệ thống để thu lại những bài phân tích chất lượng nhất trên các nguồn thông tin khoa học uy tín. Kết quả thu được khá khiêm tốn khi chỉ có 53 nghiên cứu được công bố, trong đó có 40 nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, 13 nghiên cứu trên động vật và chưa có nghiên cứu nào trên người. Rõ ràng nhận thấy các nghiên cứu về nọc độc bọ cạp xanh Cuba rất ít, đặc biệt chưa có thử nghiệm nào cho thấy hiệu quả kháng ung thư trên động vật hay người được công bố khoa học.
Như vậy, kết quả tìm thấy các nghiên cứu của nọc độc bọ cạp xanh Cuba có hiệu quả trên tế bào ung thư còn rất ít, chỉ được tiến hành trong phòng thí nghiệm. Chưa có nghiên cứu thực hiện trên động vật và người được công bố rộng rãi. Đáng chú ý hơn, đã có một nghiên cứu được công bố trên tạp chí nổi tiếng Nature cho thấy sự bất lợi của Vidatox – sản phẩm từ nọc độc bọ cạp xanh Cuba, trên mô hình động vật bị gây ung thư gan. Từ nghiên cứu này, rất cần thiết khuyến cáo bệnh nhân ung thư gan không nên sử dụng nọc độc bọ cạp xanh Cuba để tránh những biến cố bất lợi đáng tiếc.